Phân biệt biển quảng cáo và biển hiệu
Việc phân biệt biển hiệu và biển quảng cáo lâu nay chưa được chỉ rõ trong các văn bản liên quan, dẫn đến tình trạng lẫn lộn giữa hai loại biển, khiến các đơn vị chức năng lúng túng trong việc kiểm tra, xử phạt
Vấn đề này được Sở VH -TT- DL Hà Nội giải quyết trong Quy chế Quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn, được công bố ngày 7/9. Theo đó, về cơ bản quảng cáo là giới thiệu nội dung, còn biển hiệu chỉ là tên cửa hàng. Ví dụ “Cafe Nắng Sài Gòn” là biển hiệu, còn “Cafe Nắng Sài Gòn mang lại sự sảng khoái” là quảng cáo. Hay “Áo cưới Thanh Hằng” là biển hiệu, nhưng thêm cụm từ “mốt nhất” hay “thời trang nhất” thì trở thành biển quảng cáo.Theo quy định trước đây, biển hiệu không bị giới hạn kích thước. Đây là kẽ hở để các tổ chức, cá nhân thực hiện lộn xộn gây mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc trong dư luận. Do đó, theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, quy chế mới tuy không yêu cầu biển hiệu phải có giấy phép nhưng phải tuân thủ quy định về kích thước, diện tích.
Ông Hòa cho biết thêm các tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định 56/2006/NĐ-CP. Phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng đối với mỗi m2 vượt quá diện tích quy định trong giấy phép quảng cáo trên bảng, biển quảng cáo. Theo ông Hòa, đây không phải là mức phạt nhẹ, vì “nếu nhân lên theo diện tích vi phạm thì số tiền không phải là nhỏ”. Tuy nhiên, quy chế có hiệu lực từ 5/9, nhưng quá trình triển khai phải có lộ trình, chưa thể giải quyết ngay được, bởi các hình thức vi phạm, tình trạng lẫn lộn giữa biển hiệu và biển hiệu quảng cáo khá phức tạp và lộn xộn.
Ngoài vấn đề biển hiệu, Quy chế còn quy định rõ khu vực nào cấm quảng cáo và khu vực nào hạn chế quảng cáo, đồng thời tiếp tục có kế hoạch cho những biển quảng cáo đã triển khai trước khi có Quy chế mới được thực hiện hết thời gian trong giấy phép.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét